Mùi (1)

A ảo ảnh  Năm lớp 12C (tức là lớp đệ nhất ban văn chương Triết) tôi được hân hạnh ngồi gần ông Tây con. Bạn bè trong lớp ai cũng gọi Hưng là ông Tây con, vì anh đã theo học chương trình Pháp từ nhỏ. Năm ngoái rớt Tú Tài Pháp, Hưng nhảy qua học chương trình Việt, để năm nay thi Tú tài Việt. Hưng gặp khó khăn về những danh từ Triết học tiếng Việt, do đó tôi đã giúp đỡ Hưng rất nhiều. Bù lại, anh giúp tôi về phần sinh ngữ.

Hưng là con trai thứ trong một gia đình quyền quý. Cha anh là Giám đốc Nha Bưu điện và Viễn thông Nam phần. Gia đình anh ở một biệt thự hai tầng, phía sau có dảy nhà ngang dành cho bồi bếp. Mẹ Hưng là một phụ nữ hiền thục. Bà xem tôi như con cháu trong nhà. Những ngày giỗ tết, bà thường bảo Hưng gọi tôi đến chơi.Hưng có một người anh trai tên Linh và một cô em gái tên Oanh. Năm đó anh Linh 25 tuổi. Anh đã tốt nghiệp cử nhân Văn chương đại học Sorbone, về nước giảng dạy tại trường nữ trung học Marie Curie. Đây là một trường đầm nổi tiếng nhất của Việt nam trước năm 1975. Hầu hết học sinh là con nhà giàu. Phú quý tất phải sinh lễ nghĩa. Đám học trò của anh Linh quanh năm suốt tháng tiệc tùng liên miên, nhất là party sinh nhật. Hễ có party là có khiêu vũ và nhất định phải mời cho được thầy Linh, vị thầy trẻ tuổi đẹp trai con nhà giàu học giỏi.
Anh Linh vì nễ nang phụ huynh học sinh (phần đông họ là các ông bà tướng tá, các công chức cao cấp hoặc là các nhà tài phiệt giàu có) nên tiệc tùng nào anh cũng phải nhận lời. Tôi không rõ vì lý do gì, anh Linh không bao giờ một thân một mình đến dự party nhà học trò. Anh luôn luôn dắt theo Hưng, Oanh và tôi.

Năm đó chúng tôi bận học thi, nếu rớt Tú tài hai thì bị động viên nhập ngũ. Nhưng vì ham chơi, mê nhảy đầm, nên không có dịp nào anh Linh rũ mà Hưng và tôi bỏ qua. Tháng nào cũng có dạ tiệc khiêu vũ. Tháng nào cũng được ôm ấp các em nữ sinh Marie Curie thơm như múi mít. Tuy nhiên lòng tôi không bao giờ dám mơ mộng hão huyền. Tôi biết thân phận mình không phải là con nhà giàu, không phải là dân học trường Tây. 
Các em gặp nhau thì đấu với nhau tiếng Pháp. Họ nói về Goerge Sand, về Contess de Noailles. Hoặc hiện đại hơn, họ bàn về Francoise Sagan, Jean Paul Sartre, Albert Camus. Trong khi đó tôi chỉ rành về Nguyễn Du, Cao bá Quát, Tản Đà …
Nhà em nào cũng có cái upright piano nằm chình ình ở phòng khách để biểu lộ sự giàu sang. Các em chơi nhạc Chopin, Beethoven, Johann Strauss, Tchaikovsky. Trong lúc tôi chỉ biết có Phạm Duy, Trần thiện Thanh, Đoàn Chuẫn, Từ Linh … Do đó nếu không có Hưng và Oanh, chắc chắn tôi sẽ thấy mình lạc lõng giữa đám học trò trường đầm của anh Linh.

Cho đến một hôm, tôi vẫn còn nhớ, đó là đêm party cuối năm dương lịch. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy tự tin trước một nữ sinh trường đầm. Đêm đó anh Linh dắt Hưng, Oanh và tôi đến một toà lâu đài sang trọng nằm trên đường Trương minh Giảng. Theo thông lệ, khi đưa Hưng Oanh và tôi đến với đám học trò của anh, bao giờ anh Linh cũng căn dặn họ chăm sóc chúng tôi chu đáo. Partner của tôi đêm đó là một cô bé khoảng 15-16 tuổi. Cô mặc robe đầm trắng. Phần trên bó chặt lấy thân mình con gái mới lớn. Đôi cánh tay để trần, màu da trắng nỏn nà. Phần dưới robe đầm xếp nhiều li và xoè tròn như tay nấm. Tôi nghĩ thầm robe này mà nhảy điệu Valse thì hết xảy.
Anh Linh giới thiệu: C’est Danh, mon cousin, et c’est Mùi, mon etudiante (Đây là Danh, em họ của thầy và đây là Mùi, học trò của anh).
Và anh không quên dặn dò Mùi:  Tenez! Je vous le confie. Prenez soin de lui (Này, tôi giao nó cho cô. Hãy chăm sóc nó nhé).
Nói xong anh bỏ mặc hai đứa tôi vì anh phải đưa Hưng và Oanh đến với đám đông để bắt cặp cho họ.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người con gái đẹp, học trường đầm mà lại có cái tên nghe không ổn Mùi. Những cô học trò của anh Linh mà tôi quen biết đều có tên nghe rất nổ. Phần đông đều dùng tên tây khi xưng hô. Cô này là Caroline, cô kia là Joséphine, cô nọ là Sylvie. Tệ lắm cũng dùng tên thánh như Anna, Marie, Thérèse … Tôi cũng ngạc nhiên khi Mùi bật tiếng Việt, như một phản xạ, nói với tôi:
– Chào anh Danh. Anh bà con thế nào với thầy Linh?
Đã quen bài bản cũ, tôi cứ phịa:
– Mẹ của thầy Linh là chị của mẹ anh.
– À thì ra bà con bạn dì. Rất hân hạnh được quen anh.
Tôi sướng mê cả người:
– Chính anh mới được hân hạnh chứ. Vì hình như là Mùi xinh nhất đêm nay.
Mùi nũng nịu:
– Anh ghẹo em đấy à?
Tôi quả quyết:
– Không, anh nói thật đấy.

Tôi mời Mùi ra sàn nhảy. Ban nhạc đang chơi một bài Tango. Chúng tôi vừa khiêu vũ vừa trò chuyện. Giữa Mùi và tôi không có một hàng rào ngăn cách trường Tây trường Việt. Mùi lại thông thạo tiếng mẹ đẻ, khiến tôi phải hỏi:
– Sao em nói tiếng Việt giỏi quá vậy?
Mùi trêu:
– Thì em là người Việt mà.
Tôi chống chế:
– Ý anh muốn nói là các cô học trò của anh Linh đều thích chuyện trò bằng tiếng Pháp. Hình như họ cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng Pháp ngữ.
Mùi giải thích:
– Ở nhà ba má bắt tụi em phải nói tiếng Việt. Tụi em còn đọc thêm sách báo Việt ngữ nữa.
Mùi tiếp:
– Em còn biết cả thơ tiếng Việt nữa.
Tôi ngạc nhiên:
– Thế à. Em nhớ bài nào đọc cho anh nghe.
Mùi ngâm nga một cách hồn nhiên:
        Paris có gì lạ không anh?
        Mai anh về em có còn ngoan.
        Mùa xuân hoa lá vươn đầy ngõ.
        Em có tìm anh trong cánh chim …

Mùi đọc hết bài thơ, tôi nói:
– Anh phục em sát đất. Mà em có biết tác giả bài này là ai không?
– Dạ không. Trong lớp chuyền tay nhau chép những bài thơ hay mà chẳng ai biết tên tác giả. Thế anh có biết không?
– Tác giả là Nguyên Sa Trần bích Lan, cử nhân Triết đại học Sorbonne, thầy của anh.
Mùi reo lên:
– Ồ thích quá nhỉ. Ông ấy ra sao hả anh? Có đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi hay không?.
– Nhà giàu học giỏi thì có. Còn đẹp trai thì anh không chắc.
Mùi ấm ức:
– Anh nói thế là sao?
Tôi cười:
– Chắc em cũng biết Pascal có nói “đẹp là con cóc cái đối với con cóc đực”. Thầy Lan có thể không đẹp đối với anh, nhưng lại bô trai đối với cô Nga vợ của thầy.
Mùi thích thú cười ngặt nghẽo:
– À thì ra anh cũng triết lý dử hén.

Ban nhạc chuyển qua một bài Slow. Tôi thích nhất điệu nhảy này vì nó cho phép mình ôm sát partner. Thu hẹp vòng tay, tôi ghì Mùi vào lòng và nói:
– Cái robe của em nó xoè to quá. Anh không thể ôm em gần hơn nữa.
Mùi đấm vào vai tôi thì thầm:
– Thế anh đã ôm bao nhiêu cô sát hơn là ôm em?
Không trả lời Mùi, tôi quay lại chuyện cũ:
– Em còn thuộc bài thơ tiếng Việt nào nữa. Đọc cho anh nghe đi.
– Dạ còn. Em đọc bài này nhé:
        Lên xe tiển em đi.
        Chưa bao giờ buồn thế.
        Trời mùa Đông Paris.
        Suốt đời làm chia ly.
        Tiển em về xứ mẹ.
        Anh nói bằng tiếng hôn.
        Không còn gì lâu hơn.
        Một trăm ngày xa cách …

Chờ Mùi đọc đứt, tôi hỏi đùa:
– Sao bài nào cũng có Paris trong đó vậy?
Mùi cười:
– Em thích Paris lắm, nên bài thơ nào có Paris là em học thuộc.
– Thế em có đến Paris lần nào chưa?
– Dạ có hai lần. Lần đầu năm em 10 tuổi và lần sau mới năm ngoái.
Tôi thèm thuồng:
– Em may mắn quá. Anh chưa bao giờ được xuất ngoại. À mà Paris chắc đẹp lắm hả em?
Mùi đáp:
– Sài gòn là một Paris thu nhỏ. Paris có những nhà thờ to lớn, những lâu đài cổ kính, những khu rừng xanh ngắt và nhất là Paris có bốn mùa nên đẹp lắm.

Ban nhạc chuyển qua một điệu Rock. Tôi không thích các điệu kích động, nên kéo Mùi ra bàn lấy thức ăn. Gặp Hưng và Oanh đang ở đó. Hưng nháy mắt:
– Gặp đối tượng rồi hả. Cho moa mượn Mùi bản sau nhé.
Uống xong cốc nước, Mùi trở ra sàn nhảy với Hưng. 

Đây là một dịp để trắc nghiệm mức độ … “cá cắn câu”.  Mùi đã nhảy với tôi liên tiếp năm sáu bản. Như thế là đã đủ phép “bang giao quốc tế” rồi. Mùi có thể bỏ tôi để nhập bọn với bạn bè hay để cặp với một partner khác (một anh chàng học trường Tây nào đó). Nhưng vừa nhảy xong hai bản với Hưng, Mùi trở lại chỗ cũ tìm tôi.
Tôi hỏi một câu lấy điểm:
– Em có mệt không?
Nghĩ rằng tôi muốn nhảy tiếp, Mùi đáp:
– Anh cho em nghỉ một lát. Hay là mình ra ngoài vườn nói chuyện đi anh.
Chúng tôi lấy chung một dĩa thức ăn, hai ly nước ngọt và đưa nhau ra phía sau tòa lâu đài. Loanh quanh đây đó, dưới ánh đèn lờ mờ không đủ sáng, đã có vài cặp đang quấn quít nhau. Trời hơi lạnh, tôi cởi áo vest choàng lên người Mùi và bắt chuyện:
–  Mùi cho phép anh hỏi một câu. Nếu có gì không phải, em bỏ qua cho.
Mùi ngạc nhiên:
– Có gì mà anh rào đón dử vậy?
– Nếu em không giận thì anh mới hỏi.
– Em không dám giận đâu.
Tôi vào đề:
– Em có biết tại sao ba má đặt cho em tên Mùi không? Anh biết chắc là em không sanh vào năm Mùi, vì em nhỏ tuổi hơn anh.
Mùi cười ngặt nghẽo:
– Trời ơi, chỉ có thế mà anh cũng vòng vo. Em không mặc cảm gì về cái tên này. À mà anh có biết nhà văn Nhất Linh không?
– Nhất Linh trong Tự lực văn đoàn, ai mà không biết.
Mùi tiếp:
– Trong tác phẩm Xóm Cầu Mới, nhà văn Nhất Linh viết về một nhân vật nữ có tên là Mùi. Ba em mê cô Mùi đó lắm, nên đặt tên em là Mùi. À mà tên Mùi có xấu không anh?
Tôi đáp:
– Cha mẹ đặt tên cho con, có bao giờ chọn tên xấu đâu. Anh chỉ thắc mắc em không ra đời năm Mùi sao lại có tên Mùi. À em có biết bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị không?
Mùi ngơ ngác:
– Dạ không. Bài thơ ra sao hả anh?
– Đó là một bài thơ hay của thi sĩ Phạm thiên Thư. Ông ta có người yêu tên Hoàng thị Ngọ. Chắc em biết Ngọ là con ngựa.
Mùi cười khúc khích:
– Thế tên em là con gì?
Không trả lời Mùi, tôi tiếp:
– Người yêu của ông có cái tên không đẹp. Thế mà ông đã đưa tên Ngọ vào lịch sử văn học với một bài thơ tuyệt vời.
Mùi tròn xoe đôi mắt nai:
– Bài thơ hay lắm hả anh? Anh đọc cho em nghe đi.
Tôi chậm rải đọc:
Em tan trường về.
Đường mưa nho nhỏ.
Chim non giấu mỏ.
Dưới cội hoa vàng.
Bước em thênh thang.
Áo tà nguyệt bạch.
Ôm nghiêng cặp sách.
Vai nhỏ tóc dài.
Anh đi theo hoài.
Gót giày thầm lặng …

Mùi chắc lưỡi:
– Bài thơ hay quá. Hôm nào anh chép cho em nhá.
Tôi hứa:
– Anh sẽ chép cho em. Chỉ tiếc là anh không có tài như thi sĩ Phạm thiên Thư để sáng tác một bài thơ về em, về Mùi, để đưa tên em vào văn học.
Mùi giẩy nẩy:
– Thôi mắc cở chết đi. Nếu tên em có trong thơ, bạn bè cứ đọc tối ngày, sống sao nổi với tụi nó. À anh còn thuộc bài thơ nào ông Phạm thiên Thư viết cho cô Ngọ nữa không?
– Anh còn nhớ bài Động Hoa Vàng.
Mùi reo lên như trẻ được kẹo:
– Chà bài thơ gì mà có cái tên hay quá vậy. Anh cho em thưởng thức đi.
Tôi đọc:
Sao em bước nhỏ ngập ngừng.
Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ.
Đêm về thắp nến làm thơ.
Tiếng chân còn vọng nửa tờ thư tôi.
Đôi uyên ương trắng bay rồi.
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông.
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng.
Lại nghe hồn lạnh ngoài đồng thiết tha.
Con chim chết dưới cội hoa.
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao.
Mai anh chết dưới cội đào.
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu …

Mùi xuýt xoa:
– Bài thơ hay quá. Nhưng có vài chữ em không hiểu nghĩa.
Tôi định giải nghĩa mấy từ Hán Việt trong bài thơ cho Mùi nghe, thình lình trong nhà đèn bật sáng. Ban nhạc bắt đầu chơi bài Auld Lang Syne. Thì ra đã 12 giờ đêm, giờ giao thừa Tây lịch. Mọi người ồn ào đồng ca. Mùi hát theo nho nhỏ: Should auld acquaintance be forgot and never brought to mind? Should auld acquaintance be forgot in days of auld lang syne. I dout that anyone has yet deciphered what that means. But you can play it every year at a bash on New Year’s Eve.

Bài ca vừa dứt, tôi đứng dậy nắm hai tay Mùi:
– Chúc em và gia đình một năm mới mọi sự tốt đẹp.
Mùi cám ơn và chúc lại. Chúng tôi trở vào nhà. Mùi đòi về:
– Ba má chỉ cho phép em đi đến nửa đêm.
Tôi kỳ kèo:
– Anh đưa em về nhé.
– Thế anh không ở lại với anh Hưng và chị Oanh?
– Sau khi đưa em về nhà, anh sẽ trở lại.

Tôi đẩy chiếc Vespa ra cổng. Mùi còn đang líu lo từ giả bạn bè. Ngồi trên yên xe, nhìn qua khung cửa sổ ngôi biệt thự bên kia đường, tôi giật mình trông thấy đức cha Nguyễn văn Bình (Tổng Giám mục Sài gòn) đang đọc kinh khuya. Thì ra toà nhà chúng tôi khiêu vũ nằm đối diện toà biệt ghự của Cha Bình.
Mùi bước đến vịn vào vay tôi và leo lên yên sau. Bộ ngực thanh tân dựa vào lưng tôi một cách tin tưởng. Tôi muốn thời gian ngừng trôi để được sống mãi trong giây phút thần tiên. 
Bên kia đường, đức cha Bình đang cầu kinh. Bên nay đường, có đôi trẻ đang đắm mình trong hạnh phúc. Tôi cũng lâm râm khấn vái “Con quỳ lạy Chúa trên trời. Làm sao con lấy được người con yêu”. Nhưng Mùi đã giục:
– Chạy đi anh.
Cho xe nổ máy, tôi ngoái ra sau nói đùa:
– Bây giờ anh đưa em về Động hoa vàng nhé.
Mùi véo hông tôi:
– Cho em về nhà. Anh mà đưa em đi nơi khác, em sẽ mét thầy Linh.
Trời đêm mát lạnh. Đường sá vắng tanh. Thiên hạ đang tụ họp trong các vũ trường, các nhà hàng, hay tư gia để ăn mừng năm mới. Mười hai giờ đêm, hãy còn quá sớm để từ bỏ cuộc vui.

Ba má Mùi có ba người con. Anh Minh đang học Dược khoa. Chị Mai lớp 12, chuẩn bị thi Tú tài hai như tôi. Mùi đang học lớp 10 Marie Curie. 
Cuối năm đó chị Mai và tôi đều thi đậu. Chị Mai xin vào năm đầu đại học khoa học, với hi vọng năm sau sẽ thi vào Y hay Dược. Phần tôi, cũng nạp đơn thi vào các trường tuyển, sau cùng may mắn lọt vào ban Đốc sự trường Quốc gia Hành chánh. 
Cuộc đời tôi như vậy là đã tạm ổn. Vừa đi học vừa lãnh tiền học bỗng. Sau bốn năm học, tốt nghiệp ra trường, đi tỉnh thì làm phó Quận, hoặc phục vụ tại các Ty Sở chuyên môn với các chức vụ chỉ huy. 
Ba má Mùi theo Tây học, cho phép con cái giao thiệp rộng rãi. Tiêu chuẩn chọn dâu rể của ông bà cũng giãn dị: tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp vững chắc. Hai điều kiện này coi như tôi sắp có. 

Cuối năm 1973, tôi tốt nghiệp Đốc sự hành chánh, trong khi Mùi vừa xong năm thứ nhất Cử nhân Văn chương Pháp tại đại học Văn khoa Sài gòn. Chúng tôi làm đám hỏi trước ngày tôi lên đường nhận chức vụ Trưởng ty Ngân khố tỉnh Quảng Tín.
Hàng tuần Mùi bắt tôi phải điện thoại liên lạc, để nàng an tâm về cuộc sống của tôi nơi vùng một chiến thuật đầy bất trắc, mặc dù hiệp định đình chiến đã được ký kết tại Paris ngày 27 tháng Giêng năm 1973.

Đầu năm 1975, chiến cuộc trở nên sôi động. Ngày 10 tháng 3 năm 75, Việt cộng tấn công vào Ban Mê Thuột. Ngày 17 tháng 3, mất Kontum Pleiku và sau đó các tỉnh địa đầu Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Tín lần lượt lọt vào tay Cộng sản Bắc Việt. Tôi và người phụ tá (Nghĩa, Phó ty Ngân khố) bỏ Quảng Tín, chạy về Đà Nẵng trình diện.

Mãi đến đầu tháng 5/1975 tôi mới “di tản” về đến Sài gòn (xem tiếp truyện ngắn Mùi 2). Lúc đó tôi mới biết gia đình Mùi đã vượt biển. Trước khi đi, Mùi có đến từ biệt cha mẹ tôi và để lại địa chĩ của bà dì đang sống tại Paris, làm nơi liên lạc. 

Tôi viết thư cho dì của Mùi, và ít lâu sau thơ hồi âm cho biết, gia đình Mùi đã không đến được bến bờ tự do. Dì của Mùi đã liên lạc với các cơ quan Hồng thập tự quốc tế, để nhờ tìm tung tích người thân từ các trại tỵ nạn khắp Đông Nam châu Á. 
Gần bốn mươi năm qua rồi, Mùi vẫn biệt tăm tích. Em đã làm mồi cho cá mập đại dương hay đã làm người tình giây phút cho những tên cướp biển?. 
Cho đến bây giờ tôi vẫn ngậm ngùi ngâm nga hai câu thơ của Hữu Loan:
Nhưng không chết người trai khói lửa. 
Mà chết người gái nhỏ hậu phương.

Leave a comment